• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội nghị tham quan, tổng kết mô hình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nuôi thâm canh cá nước ngọt”
Lượt xem: 483

Ngày 30 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thành phố Cao Bằng, UBND phường Hòa Chung tổ chức Hội nghị tham quan, tổng kết mô hình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nuôi thâm canh cá nước ngọt”. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Phòng Kinh tế thành phố Cao Bằng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hòa An, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND phường Hòa Chung và 30 hộ dân, trong đó, có 2 hộ tham gia mô hình tại Tổ 3, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng.

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị tổng kết

Mô hình ''Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số nuôi thâm canh cá nước ngọt'' được thực hiện tại Tổ 3, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng có quy mô 1000m2 với 2 hộ tham gia. Các nội dung đã triển khai đều đúng tiến độ, các kết quả đều đạt so với yêu cầu của mô hình.

Sản phẩm máy đo quan trắc môi trường nước Envisor ra đời dựa trên công nghệ cảm biến và Internet vạn vật (IoT), thiết bị có kết nối Wifi 2.4 Ghz, gửi dữ liệu liên tục lên Cloud. Người quản lý có thể xem các chỉ số này thông qua ứng dụng quản lý ao nuôi ở bất cứ đâu. Tính năng cảm biến trên máy đo Envisor có thể đo được 4 chỉ số như: Độ pH, oxy hòa tan, nhiệt độ và ORP (chỉ khả năng khử oxy hóa của một chất trong cả môi trường nước ngọt và nước mặn). Các chỉ số này là những thông tin cơ bản nhất mà người nông dân phải kiểm soát trước khi thả giống và suốt cả quá trình nuôi. Nếu nguồn nước có một chỉ số nào tăng bất ngờ, dễ khiến cho cá mắc bệnh, chậm lớn, kém phát triển. Đặc biệt chỉ số oxy hòa tan biến động rất nhanh, nếu không phát hiện kịp thời cá sẽ thiếu oxy và chết hàng loạt, gây nhiều rủi ro. Khi sử dụng máy, người dùng sẽ được cập nhật các chỉ số môi trường liên tục. Nhờ đó, cá được hạn chế tình trạng bệnh tật trong suốt quá trình nuôi và phát triển. Nếu có một chỉ số nào đi vượt ngưỡng an toàn, người dùng sẽ nhật được cuộc gọi cảnh báo kịp thời xử lý tình huống.

So với phương pháp nuôi truyền thống trên cùng diện tích thì phương pháp nuôi có ứng dụng công nghệ nuôi được mật độ cao hơn gấp 2 - 3 lần (Phương pháp nuôi truyền thống 1 - 2 con/m2) trên cùng diện tích, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi cá. Ngoài ra, các yếu tố môi trường được xử lý kịp thời bằng các chế phẩm sinh học sẽ hạn chế được lượng kháng sinh dùng để điều trị bệnh cho cá, nâng cao được chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn với người tiêu dùng.

Sau hơn 5 tháng thả cá, tỷ lệ nuôi sống trung bình của cả mô hình là 92%; trọng lượng trung bình 0,8kg/con; năng suất trung bình là 2,95 kg/m2 vượt so với yêu cầu 0,744 kg/m2; sản lượng ước đạt 2.944 kg vượt so với yêu cầu 744kg. Như vậy, tính hiệu quả kinh tế các hộ tham gia mô hình tăng 1,34% so với yêu cầu của mô hình. Tổng thu của cả mô hình là 161.920.000 đồng, tổng chi là 105.550.000 đồng. Với giá thị trường bán cá 0,8kg/con hiện nay là 55.000 đ/kg thì sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi 56.370.000 đồng. Lợi nhuận trung bình đạt 56.370 đ/m2.

Ảnh: Tham quan mô hình nuôi cá

Anh Nguyễn Văn Công, nông dân tham gia mô hình cho biết "Gia đình tôi có truyền thống nuôi cá từ hơn chục năm nay, chủ yếu là nuôi theo phương thức truyền thống, bán thâm canh, chưa biết áp dụng khoa học công nghệ nên tỷ lệ sống trong ao bị hao hụt lớn, cá sinh trưởng phát triển không đạt như mong muốn. Khi nghe UBND phường thông báo có mô hình, tôi cũng mạnh dạn đăng ký tham gia và may mắn vì được lựa chọn. Mới đầu tôi cũng rất là lo lắng vì không biết mô hình này có phù hợp với ao nuôi của gia đình không, công nghệ có dễ sử dụng không... Nhưng sau khi đã được tập huấn quy trình kỹ thuật, có cán bộ chuyên môn tỉnh, phường đến tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật thì cũng thấy an tâm. Đến nay, tôi nhận thấy công nghệ chuyển đổi số này mang lại hiệu quả rõ rệt''.

         Qua kết quả mô hình cho thấy, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nuôi thâm canh cá nước ngọt là hoàn toàn phù hợp với điều kiện nuôi cá tại địa phương. Các hộ nông dân đã trao đổi những khó khăn, thuận lợi và bày tỏ rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ về nhiều mặt, đặc biệt, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm khi mô hình được nhân rộng ra nhiều hộ nông dân khác, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Đỗ Anh Hoàng - Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp
Tin khác
1 2 3 4 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready