Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi thuỷ sản lồng bè tập trung trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đợt 2 năm 2022
Thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường vùng
nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022, hiện
nay, đang là thời điểm giao mùa, các yếu tố thời tiết có diễn biến phức tạp, có
thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó, có phát triển nuôi
trồng thuỷ sản. Để kịp thời cánh báo sớm, hạn chế thiệt hại cho người nuôi thuỷ
sản, từ ngày 05 đến ngày 09/9/2022, Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi đã phối hợp
với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thuỷ sản miền Bắc, Viện Nghiên cứu
Nuôi trồng thuỷ sản I tiến hành lẫy mẫu nước đợt 2 tại 04 địa điểm có mật độ
nuôi cá lồng lớn (đã được định vị toạ độ cố định): Pác Đa, xã Độc Lập (3 mẫu);
Lòng hồ thuỷ điện Hoà Thuận, thị trấn Hoà Thuận, huyện Quảng Hoà (3 mẫu); Hồ nuôi cá tại Bản Muồng,
xã Vân Trình, huyện Thạch An (2 mẫu); Điểm nuôi cá trên lòng hồ Thuỷ điện Bảo
Lạc B, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc (3 mẫu) để phân tích đánh giá môi trường
nước.
Kết quả phân tích 11 mẫu nước tại 04 vùng nuôi cho biết,
đa số các chỉ tiêu quan trắc theo yêu cầu phân tích như: Nhiệt độ, DO, độ
trong, N-NH4+, N-NO2, TSS, COD, BOD5-, H2S
và Aeromonas tổng số… đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi
trồng thủy sản. Một số chỉ tiêu như pH của nước, Coliform tổng số, Aeromonas
tổng số giảm so vớt đợt quan trắc lần 1 (tháng 6/2022), phản ánh chất lượng
nước cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, chỉ tiêu Coliform tổng số và Aeromonas
tổng số trong hầu hết các mẫu nước vẫn còn cao so với tiêu chuẩn quy định. Sự
có mặt của các loài vi khuẩn thuộc nhóm Aeromonas sẽ là nguy cơ gây ra một số
bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể gây chết cá hàng loạt. Các yếu tố vi sinh
vật như Coliform có mặt trong các mẫu quan trắc cũng phản ảnh nguy cơ môi
trường nước có thể bị ô nhiễm từ các nguồn chất thải, phân người và gia súc
chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra sông, suối. Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu
nước, Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi đã ban hành công văn thông báo kết quả,
đồng thời đưa ra một số khuyến cáo đến các hộ nuôi cá lồng tại các vùng quan
trắc như sau:
1. Tại vùng nuôi thuỷ sản hồ Bản Muồng, xã Vân Trình, huyện
Thạch An
Mật độ Coliform ở mẫu nước cao hơn từ 5,2 - 5,6 lần so
với ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Các chỉ tiêu môi
trường khác có giá trị trong giới hạn cho phép. Khuyến cáo cơ sở nuôi thuỷ sản
cần tiếp tục tăng cường các biện pháp khử trùng, vệ sinh ao lồng, bổ sung các
hoá chất xử lý môi trường, treo các túi vôi bột ở các góc lồng nơi có dòng nước
chảy vào, thực hiện vệ sinh, phát quang xung quanh hồ.
Ảnh: Thức ăn
thừa cho cá chưa được thu gom, vẫn còn tồn lại
trong các lồng
nuôi tại hộ dân nuôi cá xóm Pác Đa - xã Độc Lập
2. Tại Vùng nuôi thuỷ sản xóm Pác
Đa, xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà
Đây là vùng nuôi có xuất hiện mật độ Coliform ở mẫu nước cao hơn
từ 16,8-37,6 lần so giới hạn theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Kết quả quan trắc lần
2, số lượng Coliform tại các mẫu nước lấy tại vùng nuôi Pác Đa đã giảm đáng kể
so với lần quan trắc đợt 1 (tháng 6/2022). Điều này chứng tỏ, người dân đã có ý
thức hơn trong việc vệ sinh, khử trùng khu vực nuôi cá. Tuy nhiên, mật độ vẫn
còn cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn, nguyên nhân là do các hộ nuôi cá chưa
có ý thức vệ sinh, thu gom thức ăn thừa. Thời điểm lấy mẫu, trong các lồng cá
có rất nhiều thân cây cỏ, thân cây sắn, bẹ chuối… vẫn còn để trong các lồng cá, nhiều
thân cây đã có hiện tượng thối rữa, mục nát… đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn
nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát
triển. Do đó,
đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện cần tiếp tục khuyến cáo các hộ dân, các cơ sở
nuôi cá tăng cường việc vệ sinh lồng nuôi cá, thường xuyên thu dọn thức ăn thừa
trong lồng và khu vực xung quanh để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại
trong nước. Thực hiện khử trùng khu vực lồng nuôi, treo các túi vôi bột ở góc
lồng phía đầu dòng chảy, mỗi lồng 1-2 túi, mỗi túi 2-3 kg để giảm mật độ Coliform
tổng số trong nước, phòng bệnh cho cá.
Tiếp tục khuyến cáo, tuyên truyền đến người dân sống gần
khu vực nuôi thả cá, dọc theo sông, không xả rác thải sinh hoạt và chất thải
(phân) chưa qua xử lý của người, vật nuôi ra ngoài môi trường.
Áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp, bổ sung
các hoá chất, xử lý, cải thiện môi trường, giúp giảm độ kiềm trong nước.
Ảnh: Điểm nuôi
cá lồng trên lòng hồ Thuỷ điện Hoà Thuận
3. Tại Vùng nuôi thuỷ sản lòng hồ thuỷ
điện Hoà Thuận, Quảng Hoà
Đây
là vùng nuôi có số lượng lớn các lồng bè. Mật độ Coliform trong nước cao hơn
1,48 - 6,8 lần so với ngưỡng giới hạn theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mật độ
Aeromonas tổng số từ 6,7 x 101 đến 1,1 x 102 cfu/ml. Hàm
lượng NO3- của 02 điểm Hòa Thuận 2 và Hòa Thuận 3 lần lượt cao vượt
giới hạn cho phép 2,17 và 1,95 lần. Các chỉ tiêu môi trường khác có giá trị
trong giới hạn cho phép. Các chỉ số phân tích ở các điểm lấy mẫu cũng có sự
chênh lệch, những điểm tập trung mật độ nuôi thả cao hoặc có hộ dân sinh hoạt
trên các lồng bè cũng có kết quả cao hơn và vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều này
phản ảnh các yếu tố ngoại cảnh tác động lớn đến môi trường nước, vì vậy, nguy
cơ gây ô nhiễm từ các nguồn thải sinh hoạt có thể tác động đến chất lượng nước
nuôi cá. Do đó, khuyến cáo các hộ dân cần tuân thủ tốt công tác vệ sinh, không
thải chất thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống khu vực nuôi cá. Thường xuyên
thực hiện vệ sinh lồng, lưới, bổ sung các chất khử trùng (vôi bột), chế phẩm,
hoá chất xử lý môi trường để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sức khoẻ
đàn thuỷ sản nuôi.

Ảnh: Điểm nuôi cá lồng tại lòng hồ Thuỷ
điện Bảo Lạc B
4.
Tại Vùng nuôi Thuỷ sản Lòng hồ thuỷ điện Bảo Lạc B
Kết
quả quan trắc đợt 2 cho thấy, các chỉ tiêu về vi sinh vật như Coliform,
Aerominas đã giảm đáng kể so với lần quan trắc đợt 1. Tuy nhiên, hàm lượng NO3-
cao vượt giới hạn cho phép từ 2,0 - 2,24 lần. Hàm lượng TSS cao vượt giới hạn
cho phép từ 1,13 - 1,3 lần, hai chỉ tiêu này đều cao hơn so với đợt quan trắc
lần 1. Do đó, cần tiếp tục khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi thuỷ sản tiếp tục
tăng cường các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nơi nuôi cá. Thường xuyên theo dõi biến động pH
của nước trong ngày để có biện pháp xử lý kịp thời. Bổ sung các chất khử trùng,
treo túi vôi bột ở góc lồng phía đầu dòng chảy, mỗi lồng treo 1 - 2 túi, mỗi
túi chứa 2 - 3 kg vôi bột để khử trùng nước, duy trì các phương pháp phòng trị bệnh tổng hợp đối với
thuỷ sản để ổn định môi trường nuôi.