Hiệu quả của chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực
nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND,
ngày 05/8/2016, Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 về việc ban hành
các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND đã bổ sung
các nội dung hỗ trợ theo thẩm quyền được giao cho các ngành, đơn vị liên quan
tại các luật chuyên ngành như: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về
thuế nhập khẩu, ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất có thời hạn, cho phép chủ
đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi
trường, xây dựng. Có thể nói, Nghị quyết thu hút
doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã điều chỉnh các mức
hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp và phù hợp với khả năng cân đối ngân
sách của địa phương.
Kết quả triển khai chính sách, đến nay, đã thu hút được 35 dự án đầu tư
vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó: Dự án đầu tư nuôi lợn: 18 dự án;
Dự án đầu tư nuôi trâu, bò: 07 dự án; Dự án chăn nuôi tổng hợp (lợn, gà, bò,
dê, thủy sản): 09 dự án; Dự án đầu tư vào chế
biến sản phẩm: 01 dự án. Có 19/35 dự
án được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, Dự án chăn nuôi
bò sữa tại huyện Quảng Hoà là dự án mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm của
tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 10.000 con, mở ra hướng tiếp cận,
hướng đi mới trong việc thay đổi cơ cấu trong sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Về hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND và
Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND: Có 04/19 dự án được hỗ trợ, với tổng mức hỗ trợ
là 4.507 triệu đồng,
cụ thể: (1) Dự án trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt tiêu chuẩn công nghệ
cao và hữu cơ Ánh Dương của Công ty CP chăn nuôi Ánh Dương được hỗ trợ: 2.000
triệu đồng; (2) Dự án Trang trại chăn nuôi lợn hương rừng Cao Bằng của Hợp tác
xã Thắng Lợi được hỗ trợ: 1.620,9 triệu đồng; (3) Dự án Trang trại chăn nuôi lợn
giống, lợn thịt và gà ta theo quy mô tập trung đảm bảo an toàn sinh học của Họp
tác xã nông nghiệp - chăn nuôi Bảo Hưng được hỗ trợ 571,2 triệu đồng; (4) Dự án trang trại
chăn nuôi Vân Trình, Công ty TNHH xây dựng 26-3 với kinh phí 314,990 triệu
đồng.
Thực hiện
quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 và năm 2020, Nghị định số
08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Bảo vệ môi trường, cơ bản các dự án đầu tư thực hiện các quy định về bảo vệ
môi trường trong chăn nuôi. Có 08/19 dự án đã được Hội đồng thẩm định báo cáo đánh
giá tác động môi trường (ĐTM), gồm: Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản
và bò thịt xã Lê Lai huyện Thạch An; Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn
Hương Rừng huyện Hà Quảng; Dự án trang trại chăn nuôi Ánh Dương; Dự án trang trại
lợn giống Ngọc Khê; Dự án Gia công, chế biến và chăn nuôi gia súc, gia cầm -
Công ty TNHH một thành viên CT; Dự án trang trại chăn nuôi Thông Huề; Dự án đầu
tư xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, xưởng sản xuất men Quân Tám; Dự án Chăn
nuôi lợn xã Bạch Đằng huyện Hoà An và Dự án chăn nuôi bò sữa huyện Quảng Hoà tỉnh
Cao Bằng. Trong đó, có 04/08
trang trại đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định cấp giấy về bảo vệ môi trường:
02 trang trại được cấp Giấy Xác nhận bảo vệ môi trường (Dự án đầu tư trang trại
chăn nuôi lợn Hương Rừng, huyện Hà Quảng; Dự án trang trại chăn nuôi Ánh Dương);
01 dự án được cấp Giấy phép Bảo vệ môi trường (Trang trại chăn nuôi lợn Thông
Huề); 01 dự án đã được Sở Tài Nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh cấp Giấy
phép Bảo vệ môi trường (Dự án trang trại chăn nuôi lợn Ngọc Khê).

Ảnh: Công
trình Bảo vệ môi trường của trang trại lợn Ngọc Khê,
huyện Trùng Khánh
Có thể nói,
hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi
của tỉnh, tạo việc làm cho các lao động tại địa phương. Trong đó, một số doanh
nghiệp đã có những cải tiến trong kinh doanh và quản lý nên đã nâng cao năng suất
lao động và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các trang trại đã sử dụng được
nguồn lao động tại địa phương, góp phần lớn vào việc giải quyết việc làm, tăng
thu nhập cho người dân, góp phần vào các Chương trình xoá đói giảm nghèo của tỉnh.