• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG RÉT CHO THUỶ SẢN NUÔI TRONG VỤ ĐÔNG
Lượt xem: 1126

     Trong những năm gần đây, thuỷ sản Cao Bằng đang có xu hướng phát triển. Nhiều diện tích ao nuôi chuyển từ nuôi thả sang nuôi bán thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng. Phong trào phát triển nuôi cá lồng trên các sông, hồ chứa cũng phát triển mạnh, dần đưa thuỷ sản thành loại hình sản xuất kinh tế chính đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc chịu tác động lớn của thời tiết khí hậu mùa đông khắc nhiệt, hiện tượng sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất thuỷ sản cũng chịu thiệt hại lớn, khi nhiệt độ giảm sâu, kéo dài có thể làm cá chết hàng loạt, hoặc tạo điều kiện cho một số vi khuẩn gây bệnh cho thuỷ sản nuôi.

     Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với nuôi trồng thuỷ sản  đồng thời chủ động ứng phó với thời tiết vụ đông- xuân, người nuôi thuỷ sản cần áp dụng một số biện pháp sau:

     1. Phòng, chống rét cho cá:

     * Đối với cá nuôi ao:

     - Chủ động thu hoạch cá đã đạt kích cỡ thương phẩm theo nhu cầu thị trường.

     - Chủ động duy trì mực nước trong ao từ 1,5 - 2,0 m; đối với những ao nhỏ nếu có điều kiện bơm bổ sung nước giếng khoan là tốt nhất; Đối với những vùng không thuận lợi về nước cấp, tạo một số hố sâu trong ao từ  dài 2,5 – 3,0m, chiều rộng 2,0 – 3,0m, sâu 0,5m so với đấy ao để làm nơi cho cá trú đông (đây là cách làm có hiệu quả nhất hiện nay đã được áp dụng nhiều nơi, hố có tác dụng giữ cá qua đông, nhiệt độ không khí xuống dưới 10 độ C vẫn không xảy ra hiện tượng cá chết rét).

     - Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao, lưu ý bèo phải được gom vào một góc ao để tạo nơi tránh rét cho cá, đồng thời tránh bèo phát triển tràn lan ra che kín hết mặt ao làm giảm độ thoáng của ao.

     - Những nơi có điều kiện có thể làm khung sắt và sử dụng bạt nilon sáng mầu  để che phủ lên mặt ao, giúp cách nhiệt không khí bên ngoài, tăng khả năng giữ nhiệt độ nước ổn định trong ao nuôi. Khi trời nắng nilon mầu sáng cũng có khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời, bổ sung nhiệt độ trong ao, giữ ấm cho cá.

     * Đối với nuôi cá trong lồng: 

     - Các loài thủy sản thương phẩm, gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét cần tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế xảy ra hiện tượng thủy sản bị chết vì rét, làm thiệt hại kinh tế.

     - Hạ thấp lồng nuôi, lưới quây đến mức tối đa (từ 1,8-3,0m), những ngày rét đậm, rét hại cần phải che phủ kín mặt lồng bè nuôi cá bằng nylon sáng màu nhằm tăng khả năng giữ nhiệt độ trong lồng nuôi. Đối với nuôi cá lồng ở sông có thể dùng cỏ, cây chít bó thành bó, thả vào lồng để tạo chỗ trú cho cá (Lưu ý khi cỏ, cây chít phân hủy cần vớt lên và thay bó khác). Kết hợp biện pháp chăm sóc, quản lý để nâng cao sức đề kháng cho đàn cá nuôi

     2. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

     - Không kéo lưới kiểm tra hoặc thu hoạch thủy sản nuôi khi thời tiết rét đậm, rét hại.

     - Hàng ngày theo dõi chất lượng nước ao nuôi, bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cầu kỹ thuật. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời. Định kỳ 2 lần/ tháng sát khuẩn môi trường nước bằng vôi bột, với hàm lượng 1 – 2 kg vôi bột/100m2.

     - Treo túi vôi trong lồng với liều lượng 2 – 4kg/túi/lồng 10m3, định kỳ 15 ngày thay túi vôi một lần; thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng sạch sẽ; sử dụng các loại hóa chất diệt khuẩn treo ở đầu lồng để hạn chế vi khuẩn gây bệnh trong môi trường lồng nuôi.

     - Tranh thủ những ngày nhiệt độ tăng, thời tiết hửng nắng để cho cá ăn thức ăn giàu protein, kết hợp bổ sung vitamin tổng hợp, khoáng chất, Enzyme và khẩu phần ăn, hạn chế thức ăn dư thừa gây ra lãng phí, ô nhiễm nguồn nước. Khi nhiệt độ nước xuống dưới 18 độ C, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ nước ao xuống thấp hơn hoặc bằng 12 độ C thì ngừng cho ăn.

     - Thời gian từ tháng 2 – 3 hàng năm, khi thời tiết thay đổi cá dễ bị bệnh cần bổ sung thêm vitamin C, enzyme và thuốc kháng sinh (theo liều phòng bệnh cho cá theo khuyến cáo của nhà sản xuất) trộn với thức ăn là cám gạo, bột ngô, bột sắn đã nấu chín và cho ăn liên tục 2 – 3 ngày để phòng bệnh cho cá, nhất là bệnh đốm đỏ ở cá trong mùa Xuân.

     - Vệ sinh xung quanh ao, lồng nuôi, dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột và sunphat đồng cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá. Nếu phát hiện cá bị bệnh thì cách ly sớm để tránh bệnh lây lan ra đàn cá trong ao, trong lồng nuôi.

 

Ảnh: Chủ động thu hoạch cá khi đủ kích cỡ thương phẩm để phòng chống rét

Hoàng Thị Hiếu - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi
Thông tin mới nhất
ipv6 ready