• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Lượt xem: 1154

Trong những năm gần đây, sản xuất chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có bước hồi phục và phát triển. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh xảy ra tại một số địa phương, cùng với biến động của thị trường, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao… ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Để khuyến khích phát triển chăn nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Kế hoạch số 1548/KH-UBND, ngày 23/6/2021 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh… Cùng với đó, ngành nông nghiệp Cao Bằng đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi.

Trên cơ sở điều kiện cụ thể từng địa phương, xác định cơ cấu vùng chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai tại các huyện: Hòa An, Quảng Hòa và Thành phố; phát triển, cải tạo chất lượng đàn lợn đen, giống lợn bản địa tại các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc và Bảo Lâm; phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng quy mô trang trại tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và Thành phố; phát triển đàn trâu tại các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng và Thạch An; phát triển đàn bò tại các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa và Hòa An… Nhờ vậy, tính đến nay, tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 212.000 con trâu, bò; hơn 310.000 con lợn, khoảng 3,1 triệu con gia cầm; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, giới thiệu và cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh Cao Bằng còn chứa ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh do thời tiết, khí hậu thất thường; chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, việc áp dụng thực hiện các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế; việc tiêu thụ, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm ngày càng gia tăng; môi trường vẫn còn tiềm tàng mầm bệnh... Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, người chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật sau đây:

Thứ nhất là giữ môi trường chăn nuôi tốt:

Đối với trang trại chăn nuôi, khu vực chăn nuôi phải có đủ diện tích cần thiết, địa điểm xa khu dân cư, cao ráo, dễ thoát nước khi trời mưa, có tường rào hoặc lưới bao quanh; thiết kế hướng chuồng tốt (hướng nam hoặc đông nam) nếu thiết kế chuồng hở, ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè. Tạo tiểu khí hậu tốt trong khu vực chăn nuôi bằng việc trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát để điều hòa không khí khu vực chăn nuôi. Việc thực hiện chăn nuôi kết hợp như “vườn, ao, chuồng” là phương án rất tốt, vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sản xuất, vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi, giảm thiểu bệnh tật.

Nếu chăn nuôi nông hộ trong khuôn viên đất của gia đình nên xây chuồng phía cuối mảnh đất để chuồng trại cách xa nhà nhất trong điều kiện có thể và có tường, lưới bao quanh.

Trong quá trình chăn nuôi, thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Thực hiện thu gom chất thải hàng ngày để xử lý, có thể xây hố để ủ phân bằng việc trộn phân với vôi bột ủ làm phân bón hoặc xây bể biogar để tận dụng nguồn năng lượng... tổ chức tiêu độc môi trường bằng việc thường xuyên dùng vôi bột rải quanh khu vực chuồng nuôi và trước mỗi dãy chuồng; sử dụng các loại hoá chất tiêu độc an toàn để phun tiêu độc 1lần/tuần.

Thứ hai là quản lý ra vào khu vực chăn nuôi tốt:

Tất cả mọi thứ ra vào khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế lây nhiễm bệnh vì mầm bệnh có thể bám vào các phương tiện, dụng cụ, con người, động vật, thức ăn, nước uống...

Ở cổng ra vào cơ sở chăn nuôi và ở đầu mỗi dãy chuồng phải bố trí hố khử trùng, thường xuyên bổ sung hóa chất để tăng cường khử trùng.

Mỗi cơ sở chăn nuôi có khu vực riêng để nuôi cách ly khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm; theo dõi, giám sát, điều trị và xử lý dịch bệnh khi cần thiết.

Khi xuất bán gia súc, gia cầm tốt nhất thực hiện cùng xuất, có đường dẫn gia súc ra khỏi khu vực nuôi để tránh lây lan dịch bệnh; khi nhập giống vật nuôi mới phải rõ nguồn gốc, xuất phát từ cơ sở chăn nuôi an toàn, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; tổ chức nuôi cách ly theo dõi sức khỏe trước khi nhập chung đàn.

Chủ nuôi cần theo dõi, nắm thông tin tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong nước và trên địa bàn tỉnh. Khi dịch bệnh có chiều hướng lây lan ở các địa phương cần tăng cường các giải pháp phòng, chống để bảo vệ đàn vật nuôi của mình, đặc biệt quản lý chặt chẽ mọi phương tiện, dụng cụ, con người, động vật... ra vào cơ sở; tổ chức tiêu độc khu vực chăn nuôi với tần suất dày hơn, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe đàn vật nuôi để phát hiện nhanh, xử lý gọn nếu dịch bệnh xảy ra.

Thứ ba là chăm sóc, nuôi dưỡng tốt:

Chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng phát triển của từng loại vật nuôi, từng thời kỳ phát triển của chúng là vô cùng quan trọng; cung cấp đầy đủ thức ăn dễ tiêu, đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn ẩm mốc, ôi thiu. Đối với lợn con tập ăn và gia cầm con ở giai đoạn nuôi úm, tốt nhất, nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng; với trâu, bò, cần bổ sung thức ăn tinh kết hợp với thức ăn thô xanh. Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào mùa đông bằng việc ủ chua thức ăn xanh hoặc dự trữ rơm rạ.

Cho vật nuôi uống nước sạch, đối với lợn, nên lắp vòi nước tự động. Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt thời điểm giao mùa, lúc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, cần bổ sung thuốc bổ trợ sức, trợ lực như chất điện giải, vitamin C, Bcomlex... vào nước uống để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Thư tư là tạo miễn dịch chủ động tốt:

Tiêm phòng các loại vắc xin là biện pháp quan trọng hàng đầu tạo miễn dịch chủ động để bảo vệ đàn vật nuôi. Tùy theo tình hình dịch tễ của địa phương, từng đối tượng vật nuôi để lựa chọn thời điểm tiêm và loại vắc xin phù hợp chủng mầm bệnh đang lưu hành; việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi được khuyến khích sử dụng càng nhiều loại càng tốt, trong đó, có các loại vắc xin phải bắt buộc tiêm phòng (được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT). Ngoài các loại vắc xin tiêm phòng bắt buộc, khuyến khích chủ chăn nuôi tổ chức tiêm phòng các bệnh khác như: Tai xanh, Suyễn, E. coli, Circo, Parvo... (ở lợn); Tụ huyết trùng, Đậu, Gumboro... (ở gia cầm).

Thứ năm là chủ động giám sát lâm sàng và giám sát định kỳ tốt:

Theo dõi triệu chứng lâm sàng của đàn vật nuôi hàng ngày, kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm có dấu hiệu dịch bệnh để cách ly, khám lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị. Khi phát hiện gia súc mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn châu Phi, Tai xanh, Cúm gia cầm... cần báo ngay với cơ quan Thú y gần nhất để được hướng dẫn và phối hợp khống chế, xử lý theo quy định.

Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm giống, công tác giám sát định kỳ những bệnh lây chung giữa người và động vật phải thực hiện bắt buộc. Các bệnh giám sát định kỳ và lấy mẫu xét nghiệm gồm: Sảy thai truyền nhiễm, Xoắn khuẩn (ở trâu bò); Xoắn khuẩn, Liên cầu khuẩn lợn típ 2 (ở lợn); Xoắn khuẩn (ở dê); Cúm gia cầm thể độc lực cao, chủng có khả năng lây cho người (ở gia cầm).

Thông tin mới nhất
ipv6 ready