• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
PHƯƠNG PHÁP PHÒNG, TRỊ BỆNH CHO THUỶ SẢN BẰNG THẢO DƯỢC
Lượt xem: 2764

1. Tỏi

 

Thành phần kháng khuẩn của tỏi chủ yếu là chất alixin, đây là loại chất kháng khuẩn mạnh, có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như: thương hàn, phó thương hàn, lị, tả, trực khuẩn, bạch cầu, vi khuẩn gây thoái rửa. 

Cách dùng: Dùng tỏi trị bệnh viêm ruột của cá do vi khuẩn gây ra mỗi ngày dùng 5g củ tỏi nghiền nát dùng cho 1 kg cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

Năm 1993, Phòng Bệnh Thủy sản Viện Nuôi trồng Thủy sản I kết hợp với phòng dược liệu - Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật đã dùng bột tỏi khô phối chế với một số cây thuốc: cỏ nhọ nồi, sài đất, chó đẻ răng cưa … thành thuốc chửa bệnh đốm đỏ, xuất huyết, nấm mang. Kết quả thuốc đã phòng trị được bệnh trên 90%.

2. Lá xoan

 

 

Còn có tên là cây sầu đâu, sầu đông, xoan trắng, cây xuyên luyện, cây dốc hiên thuộc loại cây thân gỗ, vỏ xù xì, rụng lá vào mùa đông, ra hoa, lá, quả vào mùa xuân. Vỏ và lá xoan có vị đắng, ngâm dưới nước có màu đen. Có tác dụng diệt trùng mỏ neo và trùng bánh xe đạt kết quả tốt.

Phòng bệnh: Trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 10 kg cành lá xoan/100 m2 ao hoặc 12-15 kg/lồng 10 m3; Có thể bón lót xuống ao với liều 0,3kg/m2 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày có thể phòng và trị ký sinh trùng thuộc ngành nguyên sinh động vật như: Trichodina, Cryptobia ký sinh trên cá hương, cá giống.

Trị bệnh: Cành lá xoan non bó thành bó ngâm trong ao nuôi cá đang có bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe, cũng có thể ngâm trong lồng nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 15 – 20 kg lá xoan/100 m2 ao có mực nước 1,5 – 2 m hoặc 20 – 25 kg lá xoan/lồng 10 m3 đến khi thấy lá xoan bị hoai mục thì vớt cành ra khỏi ao.

3. Lá đu đủ tía (thầu dầu tía)

 

 

Có tên khác là dầu ve (vì hạt có các vân như viên bi ve), cây tù ma. Là cây sống lâu năm, thường được trồng bằng hạt, hoặc mọc hoang ở các bãi ven sông. Quả thầu dầu có nhiều gai mềm (như gai quả chôm chôm), hạt có vỏ cứng màu đỏ tía, mỗi quả 3 – 4 hạt, hạt dùng để ép dầu. Lá thầu dầu có chất đắng, thường dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.

Phòng bệnh: Có thể dùng lá đu đủ tía để phòng bệnh cho cá bằng cách trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 1,5 kg cành lá đu dủ tía/100 m2 ao.

Trị bệnh: Lấy lá thầu dầu bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 2,5 – 3 kg lá thầu dầu/100 m2 ao nước sâu 1,5 – 2m. Đối với lồng nuôi cá ngâm 1,5 – 2 kg lá thầu dầu/8–10 m3 lồng.

4. Rau sam

 

 

Cây thấp, có nhiều nhánh, thân cây có màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục hơi dầy, hoa có màu vàng mọc ở đầu cành, có thể làm rau luộc, ăn hơi có vị chua. Rau sam thường dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.

Phòng bệnh: Có thể dùng rau sam để phòng bệnh cho cá bằng cách trong quá trình nuôi định kỳ 10 ngày cho cá ăn một lần với liều lượng 1kg rau sam/ 100kg cá.

Trị bệnh: Rửa rau bằng nước sạch rồi rửa lại bằng nước muối 3%, sau đó thả rau vào khung cho cá ăn, mỗi ngày cho ăn một lần, liên tục trong 5 – 7 ngày với 1,5 – 3 kg rau/100kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao. Chú ý để cá thật đói rồi cho ăn rau sam.

5. Cây cỏ mực (nhọ nồi):

 

Loại cây thường mọc ở ven bờ ruộng, xung quanh các nghĩa trang, có hoa màu trắng, lá nhọn. Lá cỏ mực dùng để rà miệng cho trẻ sơ sinh, trừ đẹn, sạch miệng.

Cách dùng:

Cây cỏ mực kết hợp với lá trầu dùng để trị bệnh ký sinh trùng cho cá. Thay nước mới cho ao sau đó dùng 10g cỏ mực, 10g lá trầu đem giả nát vắt lấy nước cho thêm 3g dầu mực trộn đều với 1 kg thức ăn, cho cá ăn từ 1 – 3 lần/ ngày.

Trị bệnh xuất huyết, viêm ruột cho cá: dùng 1 kg cây tươi, giã lấy nước rồi trộn vào 20 kg thức ăn.

 6. Cây nghể

 

Là loài cỏ mọc hoang dại ở nơi ẩm thấp (thường thấy ở các đầm lầy) sống quanh năm, thân cây có nhiều nhánh, lá hình lưỡi mác, có hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Cây có vị cay nóng, hắc.

Dùng chữa bệnh viêm ruột và bệnh loét mang, có hiệu quả nhất là cá giống.
Cách dùng: Lấy thân cây và lá băm nhỏ nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn. Liều lượng 3kg thân lá nghế tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục 3 – 6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghể khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, cứ 1 – 2kg nghế khô/100kg cá giống.

 7. Cây xuyên tâm liên

 

Cây xuyên tâm liên có tác dụng: giải độc, thanh nhiệt, tiêu thủng, ức chế vi khuẩn, tăng cường hiện tượng thực bào của tế bào bạch cầu.

Cách dùng: Dùng trị bệnh viêm ruột cá trắm cỏ. Dùng toàn thân cây xuyên tâm liên khô 1 kg hay 1,5 kg cây tươi cho 50 kg cá ăn liên tục trong 5-7ngày.

 8. Cây sài đất

 

Còn có tên gọi khác là cúc nháp, ngổ núi, húng trám. Trong cây sài đất có tinh dầu, nhiều muối vô cơ, đặc biệt có chất Lacton gọi là Wedelolacton. Công thức hoá học: C16H10O7 với tỷ lệ 0,05%.

Năm 1992, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã thử nghiệm trên vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây bệnh nhiêm trùng xuất huyết đốm đỏ ở cá trắm cỏ nuôi lồng, đường kính vòng mẫn cảm đối vơi dung dịch chiết từ cây sài đất từ 11-20 mm. Kết quả tác dụng của các chiết xuất từ Sài đất đều có tác dụng với 6 loài vi khuẩn (Vibrio parahaemolyticus, V. harveyi, V. alginolyticus, Aeromonas hydrophila, Edwardsiella tarda và Hafnia alvei) gây bệnh trên cá nước ngọt và nước mặn.

Hiện nay, cây Sài đất được phơi khô nghiền thành bột, phối chế thành thuốc trị bệnh cá. Cách dùng tươi: 3,5-5kg giã lấy nước trộn với thức ăn cho 100kg cá/ngày, ăn trong 7 ngày liên tục.

9. Cây răng cưa (chó đẻ, diệp hạ châu):

 

Là kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử ở cá trê, vòng kháng khuẩn 11 - 20mm. Dùng 5 kg cây tươi, giã lấy nước rồi trộn vào 100 kg thức ăn để trị bệnh cho cá.

10. Hạt cau

 

 

Hoạt chất chính trong hạt cau là 4 Ancaloit: Arecolin (C8H13NO2), Arecaidin (C7H11NO2), Guracin (C6HgNO2), Guvacolin (C7H11NO2). Trong hạt cau Arecolin chiếm 0,1-0,5% Oxy nguyên tử oxy hoá tế bào ký sinh trùng làm tê liệt thần kinh của gian sán, làm tê liệt cả cơ trơn nên gian sán không bám được vào thành ruột và bị đẩy ra ngoài.

Cách dùng: Theo Bùi Quang Tề, hạt cau có thể dùng chữa bệnh giun tròn (Spinitectus clariasi) ký sinh trong ruột cá với liều sử dụng 4 hạt cau/kg cá/ngày. Ăn liên tục 3 ngày. Trị bệnh sán dây Bothriocephalus gowkongensis ký sinh trong ruột cá trắm cỏ. Liều dùng 1 hạt cau/2kg cá trắm cỏ, ăn liên tục 7 ngày.

 11. Hạt bí ngô

 

 

Thành phần hoá học chưa được khẳng định. Nhưng qua thực nghiệm, hạt bí ngô có tác dụng làm tê liệt phần giữa của giun sán, từ đó giun sán bị đào thải ra ngoài.

Cách dùng: nghiền hạt bí ngô  thành bột trộn với thức ăn cho cá với tỷ lệ 1:2 cho ăn liên tục trong 3 ngày.

Đinh Quốc Trưởng - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi
Thông tin mới nhất
ipv6 ready