• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quy trình kỹ thuật tạm thời trồng cây Hồi lấy lá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 4765
Quy trình Kỹ thuật tạm thời trồng cây Hồi lấy lá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được Sở Nông nghiệp và PTNT Cao Bằng ban hành kèm theo Quyết định số 925/QĐ-SNN ngày 31/10/2019

I. KỸ THUẬT TRỒNG CÂY HỒI

1. Điều kiện khí hậu - đất đai

a) Điều kiện khí hậu

Hồi là cây ưa ẩm thích hợp với những nơi có lượng mưa trung bình 1.200-1.800mm/năm, độ ẩm không khí bình quân năm là 70-80%. Nhiệt độ bình quân năm từ 20-210C. Độ cao tuyệt đối từ 200-800m so với mực nước biển.

Ở tuổi non, Hồi chịu đựng kém với nhiệt độ cao và nắng chiếu trực tiếp nên cần được che bóng thích hợp trong vườn ươm và trong những năm đầu mới trồng. Tuy nhiên khả năng chịu rét của cây con tương đối cao, không bị chết vì sương muối.

b) Điều kiện đất đai

Hồi ưa đất tầng dày, độ phì cao, thoát nước tốt, hàm lượng mùn cao, có độ pH 4-6, thích hợp với đất feralit màu đỏ, màu nâu đến màu vàng phát triển trên đá Riolit, Phiến thạch sét, Sa thạch.

Hồi không thích hợp với đất phát triển trên nền đá vôi, đất cát pha, đất cát, đất tầng mỏng xói mòn mạnh, các khe sâu không đủ ánh sáng, độ ẩm quá cao, các khu vực có cỏ tranh đất đã thoái hóa.

2. Thời vụ trồng

 - Vụ Xuân: Từ tháng 1 đến tháng 3

 - Vụ hè thu: Từ tháng 6 đến tháng 8

3. Mật độ trồng Hồi lấy lá

 Đối với cây Hồi trồng lấy lá trồng với mật độ 5.000 cây/ha (hàng cách hàng  2 m, cây cách cây 1 m)

4. Cây giống       

Tiêu chuẩn cây giống:  Cây con phải được gieo tạo trong bầu Polyetylen (PE), sinh trưởng và phát triển xanh tốt, bộ rễ phát triển tốt không đứt rễ, không bị cụt ngọn, không cong queo, sâu bệnh. Cây giống Hồi phải đủ 12-24 tháng tuổi, đường kính cổ rễ  ≥ 5mm, chiều cao cây đạt 30-50cm.

5. Phương thức trồng và xử lý thực bì

- Phương thức trồng: Có thể trồng Hồi thuần loài theo băng, theo đám, hoặc trồng kết hợp với các loài cây nông nghiệp (nông - lâm kết hợp).

- Trồng thuần loài theo băng: Băng phát rộng khoảng 1m, băng chừa rộng khoảng 1m. Băng phát song song với đường đồng mức. Trên băng phát, phát sạch dây leo, cây bụi và cây phi mục đích, để lại cây có mục đích (khoảng 200 cây/ha). Thực bì được phát dọn sát đất, gốc không cao quá 10cm và dọn thực bì sang 2 bên băng phát. Thời gian xử lý thực bì trước khi trồng 20-30 ngày.

 - Trồng thuần loài theo đám: Có thể trồng Hồi ở những đám đất trống, nương rẫy hoặc vườn nhà, phát sạch thực bì xung quanh.

 - Trồng nông lâm kết hợp: Có thể trồng xen đậu đỗ hoặc khoai sắn trong vườn Hồi những năm đầu. Hiện trường được xử lý thực bì toàn diện, để lại cây có mục đích.

6. Làm đất, cuốc hố, lấp hố

 - Phương thức: Làm đất cục bộ

 - Phương pháp: Thủ công

 - Cuốc hố: Quy cách hố kích thước 30cm x 30cm x 30cm (dài x rộng x sâu). Khi cuốc hố lớp đất mặt để riêng, lớp đất nền để riêng.

 - Lấp hố: Trước khi trồng 15 ngày tiến hành lấp hố. Để nâng cao tỷ lệ sống cần bón lót 1 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,1kg phân NPK (5:10:3)/1 hố. Khi lấp dùng cuốc gạt toàn bộ lớp đất mặt đập nhỏ cho xuống hố, khi lấp đến 2/3 hố thì rải phân, trộn đều với đất sau đó lấp đầy hố hình mâm xôi cao hơn miệng hố 3-4cm.

7. Trồng cây

Trồng cây vào những ngày râm mát có mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Rải cây đến đâu trồng ngay đến đó, phải trồng hết trong ngày. Bố trí trồng cây từ trên đỉnh xuống chân đồi.

Dùng cuốc nhỏ hoặc bay đào một hố rộng và sâu hơn chiều dài của bầu 1-2cm ở vị trí giữa hố đã lấp. Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng giữa hố (lưu ý khi xé vỏ bầu cần nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu). Dùng đất tơi xốp lấp đầy hố cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 2-3cm thành hình mâm xôi. Có thể dùng tay hoặc chân dẫm nhẹ cho đất chặt nhưng tránh làm hư hại đến bầu. Trồng xong dùng cỏ khô hoặc cành lá cây phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây.

II. CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ RỪNG HỒI LẤY LÁ

1. Chăm sóc

Hồi sau khi trồng cần được chăm sóc 2 năm liên tục. Hồi sau khi thu hoạch lá cần được chăm sóc thường xuyên.

- Chăm sóc năm thứ nhất và năm thứ 2: Năm đầu chăm sóc 2 lần với cây trồng vụ xuân và một lần với cây trồng vụ hè thu, tiến hành chăm sóc ngay sau khi trồng 1-2 tháng và trồng dặm những cây bị chết. Chăm sóc năm thứ 2, 2 lần vào thời điểm đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.

 Thời gian chăm sóc: Chăm sóc lần 1 từ tháng 3 - 5; chăm sóc lần 2 tháng 7 -10.

 Nội dung chăm sóc: Phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại trên băng trồng hoặc xung quanh gốc. Xới đất xung quanh gốc đường kính rộng 0,5m, sâu 3-4cm.

- Chăm sóc Hồi sau khi thu hoạch lá: Vườn Hồi sau khi thu hoạch lá cần được chăm sóc thường xuyên. Phát dọn dây leo, cây bụi, cỏ dại sâm lấn kết hợp bón thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân NPK để tăng năng suất sản lượng và chất lượng lá, bón phân theo tỷ lệ 1 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,1kg phân NPK (5:10:3)/gốc/năm.

2. Bảo vệ

- Cấm chăn thả gia súc vào khu vực trồng hồi.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các loại sâu bệnh hay côn trùng gây hại để có biện pháp khắc phục kịp thời.

3. Thu hoạch lá hồi

Vườn hồi trồng sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch lá hồi, khi thu hoạch lá để lại 400 cây hồi/ha, không được khai thác lá, cành, số cây để lại phân bố đều trong lô, để đảm bảo chức năng phòng hộ và hạn chế xói mòn rửa trôi đất. Hồi sau khi thu hoạch lá cần được chăm sóc thường xuyên kết hợp làm cỏ và bón phân.

La Ái Lê - Chi cục Kiểm lâm

Thông tin mới nhất
ipv6 ready