Chăn nuôi An toàn sinh học cho lợn địa phương (giống lợn Hương) là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả
An toàn sinh học là
các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển, lây nhiễm của mầm bệnh
đến vật nuôi, con người và hệ sinh thái. Trong những năm gần đây, tình trạng lợn
chết do dịch bệnh nhất là dịch tả lợn Châu Phi diễn ra rất phức tạp. Nhận thức
của người chăn nuôi còn hạn chế nên khi lợn ốm, lợn chết người dân còn giấu dịch,
không báo đến cơ quan chuyên môn mà bán chạy, giết mổ để tiêu thụ lợn, không xử
lý chất thải mà xả thải ra môi trường tự nhiên, từ đó, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi rất cao.
Phường Ngọc Xuân nằm
trên địa bàn thành phố có lợi thế về đầu ra sản phẩm, vật nuôi chính chủ yếu là
trâu, bò, lợn, gà… trong đó, tổng đàn lợn là 720 con. Tuy nhiên, sản phẩm nông
sản còn ít, sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh
nên người dân hạn chế tái đàn, số lượng lợn giảm.
Nhằm lưu giữ nguồn
gen quý của giống lợn Hương và phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sinh kế
cho bà con trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, từ nguồn vốn của chương trình dự án Khuyến
nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng đã
phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Cao Bằng, UBND phường Ngọc
Xuân triển khai mô hình “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn
Táp Ná năm 2022” để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi’’ giai đoạn
2020 - 2022. Mô hình được triển khai tại Tổ 2 phường Ngọc Xuân với quy mô 50
con, gồm 05 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình đều đáp ứng đủ các tiêu chí về
chọn hộ như: Chuồng trại chăn nuôi, kinh nghiệm chăn nuôi, khả năng đối ứng về
cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn, vacxin phòng bệnh… (nhà nước hỗ trợ 70 %,
nhân dân đóng góp 30%).
Trung tâm Khuyến
nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã giao con giống cho UBND phường Ngọc
Xuân và các hộ tham gia nhận đủ 100%. Con giống có trọng lượng ≥ 6 kg/con, có nguồn gốc từ mô hình nuôi lợn sinh sản năm 2021 thực hiện tại
xã Hoàng Tung, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Việc sản xuất con giống tại chỗ đã
từng bước khắc phục tình trạng thiếu con giống mỗi khi vào đàn. Mặt khác, hạn
chế được khả năng lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang địa phương khác.
Vacxin phòng bệnh (dịch tả, tụ huyết trùng,
tai xanh, phó thương hàn, lở mồm long móng) và hoá chất khử trùng đều đảm
bảo chất lượng, còn tem niêm phong, có nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, đầy đủ cơ sở
pháp lý để lưu hành trên thị trường theo quy định. Các hộ nông dân tham gia mô
hình đã nhận đủ số lượng thức ăn được hỗ trợ, thức ăn hỗn hợp có hàm lượng
protein 18% phù hợp với tiêu chuẩn thức ăn dành cho lợn thịt. Do thức ăn có hạn
sử dụng 60 ngày nêm Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đã chia
thành 2 đợt.

Ảnh: Cung ứng thức ăn
Tham gia mô hình
các hộ nông dân còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, các hộ
tham gia đầy đủ và tiếp thu nhanh. Giảng viên là cán bộ của Trung tâm Khuyến
nông và Giống nông lâm nghiệp có trình độ đại học, kinh nghiệm công tác lâu
năm.
Ảnh: Tập huấn trong mô hình
Trong quá trình triển
khai mô hình, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp
thành phố Cao Bằng, UBND phường Ngọc Xuân nên đàn lợn của các hộ tham gia mô
hình phát triển tốt.
Ngày 25 tháng 11
năm 2022, tại UBND phường Ngọc Xuân, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm
nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình năm 2022 thuộc Dự án “Xây dựng mô
hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho bà con dân tộc miền
núi” giai đoạn 2020 - 2022.
Đến dự và chỉ đạo Hội
nghị, có bà Tô Thị Hải Châu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông
lâm nghiệp Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng, đại diện lãnh đạo Phòng kinh
tế thành phố Cao Bằng, đại diện lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố,
Lãnh đạo phường Ngọc Xuân, đại biểu các xã, phường lân cận và đông đảo bà con
trong và ngoài mô hình tham gia.
Sau 8 tháng thực hiện mô hình, tỷ lệ nuôi sống của đàn lợn Hương đạt 100%,
khối lượng trung bình từ 50-65kg/con, khả năng tăng khối lượng đạt 270g/con/ngày, tiêu tốn thức
ăn/kg tăng khối lượng là 3,8 kg, các chỉ tiêu khác đều đạt theo yêu cầu của dự
án.
Ảnh: Đàn lợn Hương của
hộ gia đình tham gia mô hình
Phát biểu tại hội
nghị, bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Phó chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng ghi nhận những
thành công nhất định của dự án và cũng khẳng định “Mặc dù Ngọc Xuân là đô thị
nhưng vẫn còn rất nhiều người làm nông nghiệp, ở đây có thế mạnh về đầu ra sản phẩm, đa số
người dân là thuần nông, chăm chỉ, chịu khó lao động, học hỏi. Chính vì vậy,
đưa Dự án đến với Ngọc Xuân là rất hợp lý. Để mô hình "còn sống tiếp"
sau khi kết thúc Dự án, yêu cầu các hộ chăn nuôi nhân rộng giống lợn này, không
chỉ mỗi hộ một con mà mỗi hộ ít nhất mười con thì như vậy mô hình mới có hiệu
quả và người dân cũng có nguồn thu nhập ổn định hơn”. Bà cũng nhấn mạnh “ Giống
là tiền đề - thức ăn là cơ sở”, việc mỗi hộ tự cung cấp con giống tại chỗ đã
đáp ứng được yêu cầu trước mắt, mặt khác, vùng chăn nuôi tại địa phương cũng sẽ
hạn chế bị uy hiếp dịch bệnh, đặc biệt là, dịch tả lợn Châu Phi. Đề nghị UBND
phường Ngọc Xuân tiếp tục chỉ đạo, giám sát các hộ nông dân tăng đàn, bảo tồn,
duy trì phát triển giống lợn Hương tiến tới xây dựng thương hiệu trở thành hàng
hoá chủ lực của địa phương.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Huệ
Chi phát biểu tại Hội nghị
Kết thúc Hội nghị,
các hộ nông dân đều vui vẻ, phấn khởi với những gì đã đạt được. Mong muốn trong
những năm tới, sẽ có thêm nhiều mô hình chăn nuôi An toàn sinh học đến bà con
nhân dân để địa phương có cơ hội chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng và được
tiếp cận những kiến thức khoa học kỹ thuật mới.