• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số đặc điểm dịch tễ của bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò tại tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 1758
Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease – viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ  Poxviridae  gây ra trên trâu, bò. Vi rút không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực  cho  ăn, sữa, tinh dịch  và  qua  tiếp xúc trực tiếp . Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.

     Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, bệnh nặng có thể dẫn đến chết gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại. Trâu, bò mắc bệnh có những triệu chứng sau đây: Sốt cao, có thể trên 41°C; Năng suất sữa ở gia súc đang cho con bú giảm rõ rệt; Suy nhược, bỏ ăn và hốc hác; Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; Sưng hạch bạch huyết bề mặt; Hình thành các nốt sần có hình tròn, chắc, tròn và nhô cao, đường kính từ 2–5 cm ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần lớn bị hoại tử hoặc xơ hóa và để lại vết sẹo có thể tồn tại trong vài tháng hoặc vĩnh viễn.

    Tại tỉnh Cao Bằng, ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) trâu bò đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2020 tại xã Lý Quốc huyện Hạ Lang, do người dân thấy các biểu hiện lạ trên đàn bò nên đã báo cáo cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Để có cơ sở cho công tác phòng chống và đưa ra biện pháp xử lý ổ dịch phù hợp, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi đã báo cáo UBND tỉnh, Cục Thú y đồng thời lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 2 để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time PCR cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút VDNC. Sau khi có kết quả xét nghiệm, mặc dù đã được các ngành, chính quyền các cấp địa phương, các đơn vị thuộc Cục Thú y vào cuộc đưa ra các biện pháp chống dịch nhưng do đây là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, hiện chưa sẵn có văc xin để phòng bệnh cho nên dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các địa phương khác. Tính từ khi phát hiện đến nay dịch bệnh đã gây mắc bệnh cho nhiều gia súc tại 10/10 huyện, thành phố và nhiều diễn biến phức tạp.

    1. Diễn biến theo thời gian của bệnh Viêm da nổi cục tại tỉnh Cao Bằng

Số TT

Địa phương

Thời gian xuất hiện ca bệnh đầu tiên

Năm 2020

Năm 2021

Ghi chú

Số mắc bệnh (con)

Số gia súc chết (con)

Số mắc bệnh (con)

Số gia súc chết (con)

1

Bảo Lạc

28/11/2020

3

-

2.678

212

 

2

Bảo Lâm

06/11/2020

44

4

3.956

275

 

3

Hạ Lang

08/10/2020

444

73

230

6

 

4

Hà Quảng

30/11/2020

2

-

326

5

 

5

Hòa An

05/10/2020

12

1

467

80

 

6

Nguyên Bình

15/10/2020

53

2

104

3

 

7

Quảng Hòa

08/11/2020

6

-

603

60

 

8

Thạch An

30/4/2021

-

-

328

11

 

9

Thành phố

06/5/2021

-

-

5

-

 

10

Trùng Khánh

26/10/2020

60

4

1.416

113

 

Tổng số

 

624

84

10.113

765

 

 

Biểu đồ diễn biến dịch VDNC năm 2021:

 

    Qua bảng và biểu đồ trên ta thấy từ khi ổ dịch Viêm da nổi cục trâu bò đầu tiên được phát hiện đến 31/12/2020 dịch bệnh đã lây lan ra 08/10 huyện, tuy nhiên chỉ mắc rải rác với số lượng vài con gia súc mắc bệnh/ổ dịch. Trong năm 2021 dịch bệnh xảy ra nhiều với số lượng gia súc mắc lớn, nhất là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh. Qua theo dõi tổng hợp báo cáo từ các huyện cho thấy, số gia súc mắc bệnh nhiều nhất trong khoảng từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7/2021 (đây là thời điểm thời tiết thuận lợi cho ruồi, ve, mòng phát triển mạnh trong năm). Điều này phù hợp với đặc điểm bệnh lây lan qua véc tơ trung gian là ve, mòng, ruồi; bên cạnh đó, số gia súc mắc bệnh gia tăng là do chưa có văc xin tiêm phòng bao vây tạo miễn dịch chủ động cho nên ngoài các ổ dịch mới phát sinh thì các ổ dịch tái phát trở lại sau khi đã qua 21 ngày.

    Từ cuối tháng 5/2021 cơ quan chuyên môn triển khai tiêm văc xin LSD-Lumpyvac cho đàn trâu bò trên toàn tỉnh để tạo miễn dịch chủ động, sau khi các cá thể gia súc được tiêm phòng đủ thời gian tạo kháng thể bảo hộ đối với bệnh thì dịch bệnh đã có chiều hướng giảm dần và được kiểm soát. Tính đến nay, dịch bệnh đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn tại 10/10 huyện, thành phố. Những gia súc mắc bệnh đều đã khỏi triệu chứng lâm sàng.

    2. Diễn biến theo không gian của bệnh VDNC

    Trong năm 2020, dịch bệnh xảy ra và lây lan tại 80 xóm của 36 xã, thị trấn thuộc 08 huyện làm mắc 624 con gia súc, chết 84 con của 332 hộ chăn nuôi. Hạ Lang là huyện phát hiện bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh và là địa phương xảy ra nhiều ổ dịch nhất.

    Năm 2021, dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan tại 759 xóm của 140 xã, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố làm mắc 10.113 con gia súc, chết 765 con của 5.278 hộ chăn nuôi. Một số địa phương dịch xảy ra trên toàn huyện với số lượng gia súc mắc bệnh nhiều, nhất là các huyện Bảo Lâm 13/13 xã, thị trấn (3.956 con), Bảo Lạc 17/17 xã, thị trấn (2.678 con), Trùng Khánh 21/21 xã, thị trấn (1.416 con), Hòa An 15/15 xã, thị trấn (467 con) đây là những địa phương có nhiều rừng núi và tổng đàn gia súc lớn của tỉnh, việc ngăn ngừa, phun thuốc diệt ruồi, ve, mòng không được triệt để cho nên dịch bệnh lây lan mạnh hơn các địa phương khác. Thấp nhất là Thành phố chỉ có 05 con bò của 02 hộ chăn nuôi/02 xã, phường mắc dịch; do thực hiện tốt việc chăm sóc, vệ sinh tiêu độc và diệt ve, ruồi cho nên không có hiện tượng lây lan sang các hộ khác.

    3. Đánh giá mức độ thiệt hại của bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh

    Qua báo cáo tổng hợp và theo dõi tình hình dịch bệnh của Chi cục Trồng trọt cho thấy, mặc dù bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò không có khả năng lây lan sang người nhưng khả năng lây lan bệnh nhanh, trong đó yếu tố rất quan trọng là các véc tơ truyền bệnh  ruồi, muỗi, ve, mòng là yếu tố làm lây lan bệnh rất nhanh, rất xa trên phạm vi rộng gây thiệt hại cho gia súc và người chăn nuôi. Tỷ lệ gia súc mắc bệnh trong năm 2020 là 0,3% so với tổng đàn và tăng cao ở năm 2021 tỷ lệ gia súc mắc bệnh trên toàn tỉnh là 4,77% trong đó cao nhất tại huyện Bảo Lạc 9,96 %; Tỷ lệ gia súc chết bệnh chung toàn tỉnh là 7,56%, nguyên nhân gia súc chết là do một số gia súc mắc bệnh bị sưng vùng hầu, cổ dẫn đến khó thở, mắc bệnh ký sinh trùng hoặc nhiễm kế phát bệnh Tụ huyết trùng,... Do vậy, người chăn nuôi cần quan tâm, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường xảy ra để kịp thời xử lý và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những gia súc bị bệnh cần thực hiện tốt khâu hộ lý, chăm sóc.

    4. Đánh giá hiệu quả phòng bệnh bằng vắc xin đối với bệnh VDNC

    Trước diễn biến phức tạp của bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa văc xin vào triển khai tiêm phòng cho đàn trâu bò tại các địa phương. Sau một thời gian dịch bệnh đã có chiều hướng giảm dần và được khống chế hoàn toàn.

    Đối với những con trâu bò đã được tiêm phòng sau 28 ngày (đủ thời gian miễn dịch) không phát hiện trường hợp nào phát bệnh Viêm da nổi cục, riêng những trường hợp gia súc đã nhiễm bệnh sau khi tiêm phòng thì gia súc phát bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 15%.

    Đối với những con trâu bò mắc bệnh đã được chữa trị khỏi triệu chứng lâm sàng, ăn uống bình thường, khỏe mạnh trở lại không có trường hợp nào tái phát bệnh trở lại.

    5. Kết luận

    Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò không có khả năng lây lan sang người nhưng khả năng lây lan bệnh nhanh, trong đó yếu tố làm lây lan bệnh rất quan trọng là các véc tơ truyền bệnh ruồi, muỗi, ve, mòng... Bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế do hạn chế vận chuyển giao thương, buôn bán chi phí phục vụ công tác chống dịch. Do vậy, trong công tác chống dịch Viêm da nổi cục, bên cạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như khoanh vùng, cách ly gia súc mắc bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc mẫn cảm ra vào vùng dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại tiêu diệt mầm bệnh và véc tơ truyền bệnh thì việc sử dụng văc xin để tạo miễn dịch chủ động là biện pháp có hiệu quả./. 

Đoàn Thị Thắm - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi
Thông tin mới nhất
ipv6 ready