Hiệu quả bước đầu mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống lợn hương, lợn táp ná tại Cao Bằng
24/11/2022
Lượt xem: 173
Từ nguồn kinh phí trung ương các năm 2020-2022, Trung tâm
Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng phối hợp với Trung tâm dịch vụ
nông nghiệp các huyện Hà Quảng, Hòa An và thành phố Cao Bằng triển khai mô hình
chăn nuôi lợn nái sinh sản giống lợn Hương, lợn Táp Ná với 32 hộ gia đình tham
gia. Đây là mô hình chăn nuôi lợn địa phương theo hướng an toàn sinh học, bước
đầu mang lại hiệu quả cao.
Tham gia
mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 70% kinh phí để mua lợn giống, thức ăn, thuốc khử
trùng và vắc xin phòng bệnh.
Trước tình hình sản xuất
chăn nuôi lợn địa phương (lợn Hương, lợn Táp Ná, lợn Hạ Lang...) trên địa bàn
tỉnh Cao Bằng còn nhiều bất cập, người chăn nuôi lợn địa phương thường nuôi
theo kinh nghiệm truyền thống có thể nhốt trong chuồng hoặc thả rông xung quanh
vườn nhà và chăm sóc nuôi dưỡng theo kinh nghiệm truyền thống, chưa quan tâm đầu
tư chăm sóc nên đàn lợn có nguồn gen quý dần thoái hóa, chậm lớn, năng suất và hiệu
quả thường không cao. Công tác vệ sinh và phòng trừ dịch bệnh chưa được chú
trọng nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh.
Lợn Táp Ná và lợn Hương
là những giống lợn địa phương đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống lợn địa phương của tỉnh Cao Bằng. Giống lợn địa phương tương đối dễ nuôi vì có đặc điểm phàm
ăn, ăn khoẻ, chống chịu
bệnh tật rất tốt, đặc biệt là chất lượng thịt thơm
ngon, thực sự là đặc sản địa phương.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống lợn Hương tại huyện Hòa An
Năm
2020, Trung tâm Khuyến nông và giống nông lâm nghiệp
Cao Bằng triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh
sản giống lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào các dân tộc
miền núi" với mục tiêu là: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn giống địa
phương, giảm đồng huyết, cận huyết nhằm bảo tồn, duy trì, phát triển các nguồn
gen quý của giống lợn bản địa; Nâng cao kiến thức cho người dân về chăn nuôi
lợn bản địa, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc miền núi. Tham gia mô hình, các hộ được tiếp
cận tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho lợn sinh
sản và lợn thịt. Qua 2 năm thực hiện, đến
nay, đàn lợn nái sinh trưởng tốt, khả năng sinh sản là
02 lứa/năm và 8-10 con/lứa.
Gia
đình chị Hứa Thị Loan ở xóm Yên Luật thị trấn Xuân Hòa và nhiều hộ khác tại huyện
Hà Quảng là hộ có kinh nghiệm nuôi lợn nái từ nhiều năm nên rất thuận lợi cho
việc thực hiện mô hình nuôi lợn nái sinh sản. Năm 2020,
gia đình chị Loan tham gia mô hình Chăn nuôi lợn nái sinh sản giống lợn Hương,
lợn Táp Ná với quy mô ban đầu có 05 con lợn nái và 01 con lợn đực giống Táp Ná.
Trong khi các hộ chăn nuôi trong vùng bị thiệt hại do bệnh dịch
tả lợn Châu Phi thì đàn lợn của gia đình chị vẫn đảm bảo an
toàn, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Qua hơn 01 năm thực hiện, đến nay,
trong chuồng của gia đình có 15 con lợn nái và 02 con lợn đực giống. Gia
đình đã xuất bán hơn 80 con lợn giống Táp Ná, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Để việc chăn nuôi của gia đình phát triển theo hướng hàng hóa, gia đình chị
Loan đã đầu tư xây dựng mở rộng thêm chuồng trại kiên cố,
chia khu chăn nuôi thành khu nuôi lợn nái, khu nuôi lợn đực, khu nuôi lợn con
sau khi tách mẹ. Việc phân khu vừa đảm bảo cho đàn lợn phát triển đồng đều vừa
thuận tiện trong việc chăm sóc, dọn vệ sinh. Yếu tố quan trọng là triển khai
công tác phòng, chống dịch bệnh; khử trùng khu vực chăn
nuôi,
vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ nhiệt độ chuồng nuôi phù
hợp nên đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay,
tại nhiều nơi vùng cao của tỉnh Cao Bằng, nhiều gia đình vẫn còn chăn nuôi lợn
địa phương theo hình thức thả rông, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh. Hàng năm,
vẫn diễn ra hiện tượng lợn chết do dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi,
hiệu quả kinh tế thấp. Việc thực hiện thành công mô hình nuôi lợn nái sinh sản
giống lợn Hương, lợn Táp Ná tại huyện Hà Quảng, Hòa An và thành phố Cao Bằng sẽ
là cơ sở để tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện nhân rộng việc chăn nuôi lợn giống
địa phương trên địa bàn, nâng cao sinh kế cho đồng bào các dân tộc miền núi.
Hải Châu - Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng