• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phòng chống bệnh dại cho chó, mèo
Lượt xem: 556
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật mắc bệnh sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật thường là chó, mèo vì chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là thú cưng đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch bệnh và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành ‘thú dữ, gây hại cho sức khỏe của người nuôi. Vi rút từ vết cắn, vết cào, liếm... theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương, sau đó sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Dại là một trong số căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất, trên thực tế, 100% người mắc bệnh lên cơn dại sẽ tử vong ngay sau đó.

         Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hằng năm, có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

         Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành y tế, trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố; từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 04 ca tử vong trên người tại 03 tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lai. Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 75 trường hợp chó mắc bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố; nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xuất hiện là rất cao do một số nguyên nhân như: công tác quản lý đàn chó tại các địa phương còn chưa tốt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế.

         Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

         1. Tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

         2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

         3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

         4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

         - Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod.

         - Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

         - Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa, không bị bệnh dại.

         - Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

         - Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

         - Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày.

anh tin bai

Ảnh: Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi

         Để phòng ngừa bệnh dại có hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì mọi người, mọi gia đình, tổ chức, cá nhân phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi có nuôi chó, mèo như: Đăng k‎‎ý việc nuôi chó, mèo với UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan thú y địa phương; khi nuôi chó với số lượng nhiều từ 5 con trở lên phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; không gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh; không thả chó chạy rông gây ảnh hưởng an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khi đưa chó ra đường, phải có người dắt và có rọ mõm; thực hiện tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.


Đoàn Thị Thắm - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready