Thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên lưu vực sông Gâm năm 2023
Ngày 10 tháng 5 năm 2023, tại thị trấn Pác Miầu - huyện Bảo Lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức Lễ thả cá giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên lưu vực sông Gâm năm 2023.
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Đoàn Trọng Hùng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm; Nông Thanh Mẫn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Nông Chí Kiên - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Nguyễn Duy Chinh - Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, đại diện các phòng, ban của huyện Bảo Lâm, các hộ dân tham gia nuôi, khai thác thủy sản trên dòng sông Gâm tại các xã: Vĩnh Quang, Quảng Lâm, Lý Bôn, thị trấn Pác Miầu.
Ảnh: Lễ thả cá giống tái tạo ngườn lợi thuỷ sản lưu vực sông Gâm năm 2023
Huyện Bảo Lâm cũng được thiên nhiên ưu đãi do có dòng sông Gâm và sông Nho Quế chảy vào tạo nên bề mặt diện tích mặt nước khá lớn, đây cũng có thể được coi là thế mạnh để phát triển thuỷ sản. Đặc biệt là hệ thống các nhà máy thuỷ điện trên dòng sông Gâm hình thành lòng hồ có tiềm năng phát triển thuỷ sản nuôi cá lồng bè, đem lại thu nhập cho người dân.
Trên dòng sông Gâm có nhiều loại cá quý có giá trị như: cá Anh vũ, cá Chiên, cá Trầm xanh… có chất lượng thịt thơm ngon, được người dân ưa chuộng. Bên cạnh đó, các loài cá truyền thống như cá Chép, cá Rô phi, cá con, tôm sông… cũng khá phong phú, giúp cho người dân cải thiện bữa ăn, cũng như thêm một phần thu nhập từ khai thác thuỷ sản sản trên sông.
Tuy nhiên, việc khai thác thuỷ sản tự nhiên chưa đi liền với bảo vệ và tái tạo, bên cạnh đó, vẫn sảy ra tình trạng sử dụng những ngư cụ mang tính huỷ diệt như xung điện, kích điện của một bộ phận cộng đồng dân cư dẫn đến nguy cơ nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm, nhiều loài thủy sản quý có nguy cơ biến mất. Việc hình thành các nhà máy thuỷ điện cũng là thay đổi một số môi trường sống của nhiều loài cá, do sự chia cắt dòng chảy, các bãi cá đẻ tự nhiên bị bồi lấp…
Ảnh: Đồng chí Nông Thanh Mẫn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi Lễ thả cá giống, đồng chí Nông Thanh Mẫn đã kêu gọi và đề nghị mỗi người dân hãy cùng chung tay, ra sức bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản bằng các hoạt động cụ thể:
- UBND huyện, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí cho hoạt động thả bổ sung cá giống nhân ngày truyền thống nghề cá hằng năm (ngày 01/4 hàng năm);
- Rà soát, đề xuất các khu vực cần bảo vệ, hình thành nên các tổ, đội bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng sông, lòng hồ, đề xuất các khu vực đánh bắt cá có thời hạn (trong giai đoạn cá đẻ, cá còn non…);
- UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiếm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi xử dụng xung điện, kích điện vào khai thác thuỷ sản trên sông;
- Các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản;
- Đối với những người dân tham gia khai thác thuỷ sản, tuyệt đối không đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các ngư cụ cấm, nhất là các loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Ngay sau buổi lễ, các đại biểu và người dân tiến hành thả hơn 2.000 con cá Bỗng, hơn 30kg cá Chép, và 25kg cá Mè xuống sông Gâm.
Ảnh: Đồng chí Đoàn Trọng Hùng và đồng chí Nông Thanh Mẫn tham gia thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là một hoạt động có nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm một số loài thủy sản quý có nguy cơ bị biến mất, đồng thời, góp phần cân bằng hệ sinh thái, cung cấp một phần nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, sạch, an toàn góp phần nâng cao sinh kế cho cộng đồng nhân dân. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần phục hồi và phát triển đa dạng các loại thủy sản trong các thủy vực tự nhiên trên địa bàn huyện, đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ, tái tạo, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của huyện. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền vận động nhân dân cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, nguồn nước, không đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, sung điện, chất độc, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, duy trì và bảo vệ các loài cá có giá trị cao, giữ gìn tính đa dạng sinh học.