• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tổng kết mô hình “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn hương, lợn tắp ná” tại xã Đức Long, huyện Hoà An
Lượt xem: 199

Ngày 18 tháng 11 năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hòa An, UBND xã Đức Long tổ chức Hội nghị tổng kết Mô hình “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná”. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Ông Nguyễn Sỹ Hành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp, đại biểu các xã lân cận và đông đảo bà con tham gia mô hình.

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị

Đây là năm thứ hai Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp triển khai dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná. Xã Đức Long, Hòa An là một trong các điểm được lựa chọn xây dựng mô hình trong toàn tỉnh năm 2022. Xã có lợi thế là một xã thuần nông, người dân có điều kiện và trình độ sản xuất. Mô hình được triển khai tại xã với quy mô 10 hộ tham gia, tổng số con lợn giống được hỗ trợ 100 con. Tham gia mô hình người dân còn được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, vaxcin...

Sau 8 tháng triển khai, Mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện của địa phương, lợn khỏe mạnh, phát triển đều, lợn thịt tỷ lệ mỡ cao nhưng thịt thơm ngon đặc trưng được thị trường ưa chuộng; khối lượng xuất chuồng bình quân đạt 55,6kg/con, giá bán 60.000đồng/kg hơi, doanh thu cao hơn so với trước khi thực hiện dự án khoảng 1.000.000 đồng. Bà con nông dân rất phấn khởi với kết quả đạt được.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Sỹ Hành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong phối hợp triển khai và thực hiện mô hình, chúc mừng thành quả của bà con, đồng thời nhấn mạnh: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được của mô hình, trong quá trình chăn nuôi, đề nghị bà con quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Có như vậy chăn nuôi của địa phương mới đảm bảo phát triển bền vững. Định hướng của Tỉnh Cao Bằng vẫn xác định Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để đưa tỉnh phát triển sánh ngang cùng các tỉnh lân cận. Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng lợi thế của vùng, tỉnh đã đưa ra nhiều Nghị quyết để khuyến khích phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hiện nay tỉnh đang triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, mục đích đều nhằm nâng cao sinh kế, ổn định đời sống, xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Mục tiêu trong giai đoạn tới phát triển tổng đàn đạt trên 400 nghìn con/năm, phát triển các sản phẩm đặc hữu gắn với sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó lợn Hương là một trong những đối tượng đặc hữu được lựa chọn. Trong bối cảnh dịch bệnh đối với đàn vật nuôi, dịch tả lợn Châu Phi vẫn xuất hiện nhiều nơi gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, đề nghị các hộ chăn nuôi chú ý an toàn dịch bệnh, các cấp các ngành địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nông dân không được chủ quan lơ là với dịch bệnh. Để mô hình chăn nuôi lợn thịt lợn Hương, lợn Táp Ná được duy trì và phát triển bền vững, hướng tới sản xuất hàng hóa, tham gia được vào chuỗi liên kết giá trị trong thời gian tới đề nghị UBND huyện đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện, tập trung và bố trí các nguồn vốn hỗ trợ người dân để phát triển mô hình”.

Ảnh: Ông Nguyễn Sỹ Hành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Mô hình chính là một nguồn cung cấp con giống tại chỗ tin cậy, đảm bảo an toàn dịch bệnh giúp bà con chăn nuôi trên địa bàn tái đàn hiệu quả. Lãnh đạo UBND huyện cũng chỉ đạo lãnh đạo các xã lân cận tiếp thu và tuyên truyền hiệu quả của mô hình đến các xóm trong xã, tham quan và học tập để nhân dân làm theo, tạo hiệu ứng lan rộng trên địa bàn huyện. Góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.

Đàm Thị Thiều - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready