• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ngày Xuân ôn lại Phong trào "Tết trồng cây" của Bác Hồ
Lượt xem: 370

         Ý nghĩa “Tết trồng cây” của Bác Hồ

         Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng Xuân, sáng ngày 11/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây.

anh tin bai

Ảnh: Bác Hồ trồng cầy đa tại Công viên Thống nhất mở đầu Tết trồng cây do Người phát động (11/1/1960). (Ảnh: hochiminh.vn)

         Trước đó, ngày 28/11/1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, chính thức khởi xướng, phát động phong trào Tết trồng cây. Người mong muốn đây là một trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng vào dịp đầu xuân mới.

         Bác viết hai câu thơ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

         Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Bác nói: "Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trồng cây suốt cả mùa xuân". Bác gọi phong trào trồng cây là “Tết trồng cây” với hàm ý so sánh không khí náo nức tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết…

         Cứ mỗi độ tết đến xuân về, Bác đi thăm và tham gia trồng cây với người dân.  Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng. Người viết: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi, chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”. Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 05/02/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”.

anh tin bai

Ảnh: Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/02/1969), Bác trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây  (Ảnh: hochiminh.vn)

         Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/02/1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Trong bản Di Chúc mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

         Có thể thấy, những lời căn dặn của Người về “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ và phát triển. Phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh niên, học sinh hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, nhà văn hóa thôn… góp phần làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.

         Đoàn viên Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng với phong trào "Tết trồng cây"

         Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ bài học “Tết trồng cây” mà Bác Hồ phát động, toàn Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đang ra sức hưởng ứng thông qua những hành động cụ thể như Phát động phong trào thi đua chuyên đề "50-60 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng vụ Xuân năm 2024".

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

Ảnh: Đoàn viên Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng trồng cây

         Hưởng ứng Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Giáp Thìn năm 2024 do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, sáng ngày 19/02/2024, Công đoàn Ngành Nông nghiệp và PTNT đã huy động 80 đoàn viên thuộc 09 Công đoàn cơ sở trực thuộc tham gia trồng cây tại xóm Thin Tẳng, xã Bình Dương, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Tại buổi phát động còn có sự tham gia của đông đảo đoàn viên các Công đoàn Ngành y tế, Giáo dục, Công đoàn viên chức tỉnh tiến hành trồng 2.000 cây keo cho diện tích 1,3 ha đất đồi. Đoàn viên Công đoàn cơ sở Chi cục Kiểm lâm đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho toàn thể lực lượng tham gia. Các đoàn viên đều nô nức, phấn khởi cho hoạt động đầy ý nghĩa đầu xuân năm mới này. Phong trào "Tết trồng cây" góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức mỗi đoàn viên và người dân khu vực về ý nghĩa của cây xanh đối với môi trường; vận động đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân tích cực tham gia trồng cây xanh khu vực sinh sống và làm việc; trồng cây, trồng rừng góp phần lan toả phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc… Đó là những hành động thiết thực góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa, đi vào cuộc sống.

Đàm Thị Thiều – Kế hoạch Tài chính và Nguồn sưu tầm Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready