• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Một số biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa
Lượt xem: 197

         Ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai xâm hại, là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa và các cây trồng dưới nước, đặc biệt vào giai đoạn lúa non, lá bánh tẻ, ốc bươu vàng gây thiệt hại lớn. Khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao, có thể làm mất trắng, không được thu hoạch.

anh tin bai

Ảnh: Trứng ốc bươu vàng trên ruộng lúa

         Để phòng trừ ốc bươu vàng hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp nêu đặc điểm của ốc bươu và các biện pháp phòng trừ như sau:

         1. Đặc điểm sinh học và phát sinh gây hại của ốc bươu vàng

         a) Đặc điểm hình thái

         - Ốc trưởng thành cỡ lớn, dạng mập tròn, gồm đầu, thân và chân. Đầu có hai đôi xúc tu (một đôi dài và một đôi ngắn). Thân nằm trên chân, là một khối xoắn ẩn kín trong vỏ. Chân rộng, hình đĩa, màu trắng kem nằm ở phía bụng. Mặt lưng của chân có nắp vỏ che đậy. Đầu và chân thường thò ra ngoài vỏ khi di chuyển. Toàn bộ cơ thể ốc nằm trong lớp vỏ.

         - Con đực có nắp miệng hơi nhô gợn sóng, con cái có nắp miệng bằng phẳng hơi lõm xuống. Vỏ ốc và ruột ốc có màu vàng.

         - Trứng đẻ thành từng ổ có màu hồng tươi, khi sắp nở có màu hồng nhạt. Trứng nở sau 07 - 15 ngày, nở hết trong 02 - 07 ngày. Tỷ lệ nở khoảng 70%, tỷ lệ sống sau 10 ngày tuổi khoảng 80%. Vòng đời ốc bươu vàng  khoảng 02 tháng.

         b) Tập quán sinh sống và gây hại

         - Ốc bươu vàng gây hại nặng cho lúa bởi chúng có thể cắn trụi tới tận gốc khiến cây khó có khả năng phục hồi.

         - Ốc bươu vàng chỉ sống trong điều kiện nước ngọt. Ruộng chua, phèn, độ PH < 4, ốc không sống được. Ốc có thể sống tới 03 năm.

         - Trứng được đẻ thành từng ổ trên bẹ lá, thân cây lúa, trên bờ ruộng hoặc các thân cây, que cọc trên ruộng lúa, một ổ có khoảng 150 - 300 trứng. Trung bình, một ốc bươu vàng cái có thể đẻ 500 - 1.000 trứng.

         - Ốc bươu vàng sống và gây hại chủ yếu trong nước. Tuy nhiên, ốc cũng có thể sống trên cạn. Trong điều kiện bất lợi (khô hạn) ốc vùi mình xuống đất từ 05 - 30cm, khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước), ốc trồi lên cắn phá trở lại. Ốc bươu vàng có thể gây hại suốt ngày đêm. Tuy nhiên, thường gây hại chủ yếu vào chiều, tối.

          - Ốc bươu vàng hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ ấm, trời mát. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ xuống dưới 15oC và trên 38oC, ốc bươu vàng vẫn sống bình thường.

         2. Các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng

         Để hạn chế tác hại của ốc bươu vàng gây hại trên cây lúa, cần thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

         a) Biện pháp phòng trừ thủ công, canh tác

         - Cắm cọc trong ruộng, mương nước, rãnh nước, cho ốc lên đẻ trứng sau đó thu gom hết ổ trứng ốc để tiêu diệt.

         - Trước khi làm đất cần vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp sạch cỏ dại là nơi ốc cư trú lây truyền sang vụ sau. Dùng tay hoặc dùng lưới cào bắt ốc. Khi gieo sạ nên đánh rãnh thoát nước, ốc tập trung vào rãnh nên dễ dàng bắt ốc bằng tay. 

         - Làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.

         - Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc gieo sạ đến 02 - 03 tuần sau.

         - Dùng mồi để dụ ốc tập trung ăn và bắt. Mồi có thể dùng các loại thức ăn ốc thích như xơ quả mít, dây lá khoai lang, lá cây râm bụt, rau diếp, rau xà lách, lá bắp cải...       

         - Đánh rãnh thoát nước (25 x 05cm) cách nhau 10 - 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rãnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay.

         - Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

         - Sử dụng giống tốt có tỷ lệ nẩy mầm cao.

         - Thả vịt vào ruộng lúa để vịt ăn ốc non và trứng ốc. Thu lượm ốc bươu vàng trưởng thành để làm thức ăn cho cá, vịt.

         - Ở nhiều nơi, bà con dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì… chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mực nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn.

         - Dùng vôi tuy tốn công nhưng rất hiệu quả trừ ốc bươu vàng, ngoài ra, còn giúp cải tạo đất, liều dùng 500 kg/ha. Có thể xử lý vôi kết hợp với bón lót lân vào giai đoạn chuẩn bị ruộng...

         - Cho nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc.

         - Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 02 - 03cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại. Ở nhiều nơi, nông dân có kinh nghiệm không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế ốc bươu vàng di chuyển và gây hại. Giai đoạn chuẩn bị làm đất, nếu cày bừa kỹ, cày sâu thì có thể diệt được ốc bươu vàng nằm vùi dưới ruộng. Ở nhiều nơi, sau khi thu hoạch, bà con cày lật ngay để hạn chế ốc bươu vàng lứa sau.

         b) Biện pháp phòng trừ hóa học

         - Hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc trừ ốc bươu vàng đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để trừ ốc bươu vàng: Assail 12.5GB, Molucide 6GB, MAP Passion 10GR, Osbuva 5GR, Bayluscide 250EC, Dioto 250EC, Snail 250EC, Viniclo  70WP, Mecaba 10GR,MAP Pro  30WP...

         - Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 04 đúng, tuân thủ hướng dẫn trên bao bì.

    - Lưu ý:

    + Khi phun, mực nước khoảng 03 - 05cm là vừa. Sau phun, tiếp tục giữ nước 01 - 02 ngày để diệt hết ốc còn sót lại.

    + Để đảm bảo hiệu quả trừ ốc cao, không phun khi ruộng không có bờ bao và mực nước trên ruộng quá sâu (trên 05cm).

    + Nên phun thuốc lúc chiều mát hay sáng sớm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm phun chiều mát tốt hơn vì ốc thường nổi lên và cắn phá mầm lúa vào lúc chiều và tối.

Đỗ Anh Hoàng - Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp
Thông tin mới nhất
ipv6 ready