• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Thông báo tình hình châu chấu gây hại - Cách phòng trừ
Lượt xem: 123

         Hiện nay, trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Hoà An, châu chấu tre lưng vàng và châu chấu đen (gọi chung là châu chấu) đã xuất hiện và phát sinh gây hại trên cây ngô và cỏ dại ven bờ ruộng, rẫy, sông suối… Diện tích bị nhiễm khoảng 13,2ha (Ngô 0,6ha, Cỏ dại 12,6ha); trên cây Ngô, mật độ châu chấu non phổ biến 2 - 4 con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2, trên Cỏ dại, mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2.

         Ngay sau khi phát hiện ổ dịch châu chấu các huyện đã chủ động kiểm tra, rà soát diện tích châu chấu phát sinh gây hại trên địa bàn, huy động lực lượng và thành lập các tổ, nhóm tiến hành phun trừ để hạn chế sự phát tán, lây lan ổ dịch. Các huyện khác chưa có diện tích nhiễm vẫn đang tiếp tục theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời.

anh tin bai

Ảnh: Châu chấu gây hại trên cỏ dại ven sông suối

         Đặc điểm: Châu chấu là loài côn trùng đa thực, có sức phá hại lớn, chủ yếu gây hại trên cỏ dại, rừng tre, vầu… Vòng đời châu chấu dài, thời gian châu chấu sống và phá hoại khoảng 5 - 6 tháng. Khi còn non mới nở, sống quần tụ trong phạm vi hẹp, di chuyển chậm và gây hại cục bộ. Khi trưởng thành, có khả năng di chuyển nhanh thành từng đàn và sức tàn phá lớn, rất khó kiểm soát, nếu không phòng trừ kịp thời, chúng sẽ ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết.

         Dự báo: Từ nay đến cuối tháng 5, với điều kiện thời tiết nắng nóng thuận lợi cho trứng châu chấu tiếp tục nở với mất độ cao hơn, có thể thành từng ổ lớn, thời gian ổ trứng nở kéo dài. Châu chấu non mới nở sẽ phát triển và có khả năng di chuyển sang gây hại các cây trồng nông nghiệp (lúa, ngô…) và trên cây rừng (tre, nứa, vầu…). Nếu không phát hiện sớm và tiêu diệt các ổ châu chấu khi còn non thì nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.

anh tin bai

Ảnh: châu chấu gây hại trên cây ngô tại huyện Hoà An

         Để chủ động phòng chống châu chấu tre gây hại cây trồng bảo vệ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi khuyến cáo bà con nông dân thực hiện một số biện pháp sau:

         - Thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các ổ châu chấu  mới nở, gây hại báo cơ quan chuyên môn để chủ động bao vây và phòng trừ kịp thời.

         - Phát quang, dọn dẹp sạch bờ cỏ ruộng, rẫy, đồi rừng để hạn chế các điểm châu chấu có thể sinh sản.

         - Những diện tích có châu chấu non mới nở, còn co cụm, sống quần tụ cần tổ chức diệt trừ bằng các biện pháp thủ công như bắt bằng vợt rồi đem tiêu huỷ, nếu diện tích lớn không thể khống chế được thì sử dụng biện pháp hóa học để tiêu diệt. Phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Lufen extra 100EC, Anvado 100WP, Wamtox 100EC, Bemad 52WP, Visumit 50EC, Crymerin 50EC, Neretox 95WP, Tasieu 1.9EC… Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách). 

anh tin bai

Ảnh: Phun trừ châu chấu tại huyện Hà Quảng

         - Biện pháp tổ chức phun: Sử dụng các loại bình phun như bình phun ắc quy, máy phun động cơ hoặc máy động cơ phun dạng khói... Phun tập trung, phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực và treo biển cảnh báo tình trạng ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong khu vực phòng trừ dịch hại, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và vật nuôi.

         Chú ý: Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì thuốc trước khi sử dụng thuốc BVTV hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Đoàn Thị Thuấn - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi
Thông tin mới nhất
ipv6 ready