• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản đợt 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 71

         Ngày 18 tháng 7 năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Bắc thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I thực hiện lấy mẫu nước vùng nuôi thủy sản tại: (1) Hồ thủy điện Hòa Thuận; (2) Sông Vi Vọng chảy qua địa phận xóm Pác Đa, Độc Lập, huyện Quảng Hòa; (3) Sông Gâm chảy qua địa phận thị trấn Pác Miầu huyện Bảo Lâm. Tổng số mẫu lấy 09 mẫu (tại mỗi điểm lấy 03 mẫu). Các chỉ tiêu phân tích: Nhiệt độ; pH; Độ trong; COD; NO3-; Định lượng Aeromonas tổng số; P-PO43-; BOD5; N-NH4+; DO; N-NO2-; TSS; H2S; Định lượng Coliforms tổng số; Độ kiềm.

anh tin bai

Ảnh: Đo các thông số nước tại điểm lấy mẫu nước quan trắc tại Sông Bắc Vọng huyện Quảng Hoà tỉnh Cao Bằng

         Ngày 29 tháng 7 năm 2024, Trung tâm quan trắc môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Bắc thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I gửi phiếu kết quả phân tích mẫu số QTCB240722 kết quả như sau:  

         1. Kết quả sau khi phân tích mẫu:

         - Kết quả phân tích cho thấy các thông số nhiệt độ; pH; DO; NO2-; TSS; P-PO43; COD; NO3; H2S; BOD5; độ kiềm và Aeromonas tổng số đều có giá trị trong ngưỡng giới hạn cho phép theo TCVN 13952:2024 và QCVN 08:2023/BTNMT.

         - Các thông số như Độ trong; NH4+; mật độ Colifom có giá trị cao hơn giới hạn cho phép cụ thể như sau:

         + Thông số độ trong

         * Thông số độ trong tại 2/3 điểm quan trắc có giá trị cao hơn ngưỡng giới hạn cho phép cụ thể tại điểm thu mẫu quan trắc xã Độc lập dao động từ 75-80cm, tại điểm quan trắc hồ thuỷ điện Hoà Thuận là 80cm (giới hạn cho phép từ 30-60cm theo TCVN 13952:2024 nước nuôi trồng thủy sản - nước ngọt - yêu cầu chất lượng).

         * Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trước và tại thời điểm thu mẫu do có mưa lớn kéo dài nên dẫn đến độ trong của nước tại các sông, hồ thuỷ điện cao hơn so với giới hạn cho phép tuy nhiên mức độ chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản. 

         + Thông số NH4+ : Thông số NH4+ có giá trị cao gấp 1,5 lần ngưỡng giới hạn cho phép tại điểm cuối thuộc hộ ông Oanh - xóm Chè Pẻn, TT Pắc Miầu.

         + Mật độ Colifom tổng số

         * Mật độ Colifom tổng số có giá trị cao hơn từ 2,8 - 11 lần ngưỡng giới hạn cho phép (theo TCVN 13952:2024 nước nuôi trồng thủy sản - nước ngọt - yêu cầu chất lượng) tại điểm quan trắc sông Vi Vọng chảy qua địa phận xóm Pác Đa, xã Độc Lập và cao hơn gấp nhiều lần so với 2 điểm quan trắc còn lại; tại Hồ thuỷ điện Hoà Thuận, mật độ Colifom tổng số giao động từ 5700-32000 CFU/100ml có giá trị cao hơn từ 1,1-1,6 lần ngưỡng giới hạn cho phép; tại điểm thu mẫu Sông Gâm chảy qua địa phận thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Mật độ Colifom tổng số giao động từ 5700-77000 CFU/100ml có giá trị cao hơn từ 1,1-1,5 lần ngưỡng giới hạn cho phép.

         * Mật độ coliform tổng số tại các điểm quan trắc đều cao hơn mức giới hạn, điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó, người nuôi thuỷ sản cần tăng cường công tác vệ sinh, phòng bệnh cho đàn cá, định kỳ diệt khuẩn môi trường nước.

         * Từ kết quả phân tích mẫu nước nuôi trồng thủy sản tại các điểm thu mẫu cho thấy, đa số các chỉ tiêu phân tích (12/15 chỉ tiêu) có giá trị trong giới hạn cho phép nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, còn có những chỉ tiêu có giá trị cao hơn ngưỡng giới hạn cho phép (3/15 chỉ tiêu phân tích: Độ trong; mật độ Colifom tổng số; NH4+ )

anh tin bai

Ảnh: Đo các thông số nước tại điểm lấy mẫu nước quan trắc tại Sông Gâm huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng

         2. Một số khuyến cáo

         - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thời tiết diễn biến bất thường, dễ xảy ra mưa lũ lớn và là thời điểm dễ mắc bệnh đối với cá nuôi. Để đảm bảo môi trường nước cho nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật như sau:

         + Thực hiện chăm sóc quản lý cá trong từng giai đoạn sinh trưởng như: Kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp, theo dõi hoạt động của cá; kiểm tra lồng thường xuyên để phát hiện những vị trí lồng bị rách hỏng tránh thất thoát, theo dõi tốc độ lớn để tách đàn phù hợp, tạo điều kiện để cá phát triển đều; bổ sung khoáng chất, men vi sinh để tăng sức đề kháng phòng ngừa dịch bệnh cho cá.

         + Cần vệ sinh lồng nuôi định kỳ tạo độ thông thoáng để tăng hàm lượng oxy trong nước và chống kí sinh trùng gây hại cho cá. Thực hiện duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả cá với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho cá phát triển làm cá yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Thu hoạch cá đã đạt kích cỡ thương phẩm.

         - Cần chủ động phòng dịch bệnh như sau: Định kỳ bổ sung vào thức ăn các loại khoáng và vi chất đảm bảo đủ chất và nâng cao sức đề kháng cho cá: Vitamin C định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng liên tục trong 3 ngày,  liều lượng 3g/100kg cá/ngày, bằng cách trộn đều trực tiếp vào thức ăn đã nguội + 20 ml dầu ăn (dầu mực, dầu cá...); Vitamin, khoáng tổng hợp: định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng, theo liều lượng hướng dẫn của Nhà sản xuất. Riêng đối với thức ăn cám viên công nghiệp đã được trộn đầy đủ khoáng vi lượng thì không cần bổ sung thêm; Củ tỏi: định kỳ cho ăn 1 - 2 lần trong tháng liên tục trong 3 ngày, bằng cách xay nhuyễn, hòa nước, trộn đều vào thức ăn.

         Thực hiện quan trắc tại các vùng nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trọng từ các kết quả quan trắc, cơ quan quản lý có thể dễ dàng đánh giá tác động môi trường tới hoạt động nuôi trồng thủy sản, làm cơ sở để triển khai các biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản, đưa ra cảnh báo và hướng dẫn người nuôi chủ động ứng phó, thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục giảm thiểu thiệt hại. 

Bế Thị Hồng Thắm - Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready