• Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO VẬT NUÔI SAU MÙA MƯA BÃO
Lượt xem: 161

         Trong thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh Cao Bằng mưa to kéo dài liên tục, cộng với việc xả lũ của các công hồ thủy điện khiến cho mực nước sông, suối liên tục dâng cao, gây ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở ở vùng đồi núi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, bị chết làm thiệt hại nặng về tài sản cho người chăn nuôi. Lũ lụt làm các loại rác thải tràn về kéo theo mầm bệnh lây lan đi khắp nơi cộng với khí hậu ẩm ướt và điều kiện thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp là nguy cơ lớn gây bùng phát dịch bệnh cho vật nuôi. Vì vậy, công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm sau mưa lũ là một trong những việc mà chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng và chính những người chăn nuôi phải hết sức quan tâm, khắc phục nhanh chóng để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. 

anh tin bai

Ảnh: Khử trùng chuồng trại bằng vôi bột

         Để duy trì chăn nuôi sau bão, lũ và ổn định phát triển, người chăn nuôi cần thực hiện tốt và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sau:

         1. Vệ sinh khu vực chăn nuôi: Khi nước rút, nhanh chóng tiến hành thu dọn sạch bùn, đất, phân, rác thải trôi dạt; đối với rác thải là phân, chất độn chuồng, rác hữu cơ cần thực hiện xử lý bằng biện pháp sinh học hoặc đào sâu chôn chặt, đốt để hạn chế các vấn đề ô nhiễm môi trường và các loại mầm bệnh. Khẩn trương thu gom và xử lý xác gia súc, gia cầm chết để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Xác động vật phải được chôn kỹ ở những nơi cao ráo không bị ngập nước, trước khi chôn lấp phải tiến hành dùng vôi bột hoặc các thuốc sát trùng rải lên xác chết. Hố chôn sau khi lấp cần được phun tiêu độc khử trùng trên khắp bề mặt. Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải đồng thời cọ rửa toàn bộ tường xây, vách ngăn, nền chuồng, các dụng cụ chăn nuôi bằng nước sạch. Khơi thông cống, rãnh thoát nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi. Dùng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Han-iodine, Virkon, ChloraminB... để tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hệ thống thoát nước, hố chứa phân cũng như các phương tiện trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi.

         2. Chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi: Thay thế hoặc bổ sung thêm chất độn chuồng để giữ ấm cho gia súc, gia cầm đặc biệt là đối với gia súc chưa cai sữa, gia cầm giai đoạn nuôi úm. Nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm có thể bị ngập nước, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất bám vào cỏ cây khi gia súc ăn phải sẽ có thể gây bệnh, sức khỏe giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, không bị bỏ đói, không ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc, gia cầm già yếu và gia súc non cần bổ sung các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như thức ăn xanh, thức ăn tinh... để tăng quá trình hồi phục. Bổ sung thêm chất điện giải, vitamin, men tiêu hóa ... vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng. Dùng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn để phòng các bệnh nhiễm khuẩn có nguy cơ cao như tiêu chảy, phân trắng, bạch lỵ, thương hàn... và chủ động dùng vắc xin để phòng bệnh.

         3. Phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi: Thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có các phương án dự phòng và xử lý kịp thời. Tích cực chăm sóc đàn vật nuôi để tăng khả năng chống chịu đối với tác động do thay đổi lớn về thời tiết cũng như có biện pháp khắc phục hiệu quả khi mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh xảy ra. Chủ động tiêm phòng đầy đủ và đúng các loại vắc xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y để phòng tránh dịch bệnh xảy ra.

         - Đối với trâu bò: Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

         - Đối với lợn: Tiêm phòng  dịch vắc xin dịch tả lợn châu phi, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh...

         - Đối với gia cầm: Tiêm vắc xin dịch tả vịt, tụ huyết trùng, Newcastle,viêm gan....

         Thực hiện quản lý tốt đàn vật nuôi, tuyệt đối không chăn thả ở những khu vực ô nhiễm, chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm có thể gây ra dịch bệnh trên diện rộng như dịch tả lợn châu phi, cúm gia cầm, dịch tai xanh, lở mồm long móng... Báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo đúng quy định.

Hoàng Minh Thư – Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
ipv6 ready